Images

GỬI LỜI CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ BÌNH LUẬN BÀI VIẾT “THÊM LÝ DO ĐỂ TÔI YÊU KINH DOANH BẢO HỘ LAO ĐỘNG” TRÊN FACEBOOK


Những lời nhận xét của các bạn tạo động lực rất lớn để Thoại mang hết sức mình đem đến những sản phẩm và dịch vụ tốt nhất phục vụ cộng đồng.

https://www.FaceBook.com/QuocThoaiNguyen
Images

THÊM LÝ DO ĐỂ TÔI YÊU KINH DOANH BẢO HỘ LAO ĐỘNG

MỘT ngày tối chủ nhật của tháng 04/2012, tôi đang xem Ti vi tại tiệm tạp hoá của Má tôi thì có một người khách ghé đến hỏi mua găng tay cao su. Má tôi biết tôi đang kinh doanh các mặt hàng bảo hộ lao động nên hỏi: “Chú này hỏi mua găng tay cao su, con có để bán cho chú ấy không?” Tôi đang nằm mà nghe nhắc đến nhu cầu về sản phẩm mình kinh doanh thì bật ngay dậy.

Anh Dũng – người khách – đang cần găng tay cao su bảo hộ để dùng cho việc trộn hạt nhựa.

Tôi nói: “Nếu như hạt nhựa thì anh có thể dùng gang tay len là được rồi.”

Anh phân trần rằng: “Công ty em chỉ phát một tuần mỗi một đôi găng tay len thôi.

“Trời! Găng tay len thường sử dụng mỗi ngày một đôi mà sao mỗi tuần mới phát cho người ta?” Tôi ngạc nhiên hỏi.

Anh lặng người, không trả lới mà đưa hai bàn tay cho tôi xem. Tôi thật đau lòng khi thấy lòng bàn tay của anh bị sần sùi nứt nẻ tróc da. Tôi thầm trách doanh nghiệp nơi anh làm sao vô tâm quá!

Tôi hỏi: “Vậy ngoài trộn hạt nhựa ra, chắc chắn anh có trộn thứ khác nữa phải không?”

Anh trả lời buồn buồn: “Hạt nhựa có tẩm hoá chất anh à, nên tay em mới như vầy đây! Em tính mua găng tay cao su về đeo ở bên trong còn găng tay len sẽ phủ bên ngoài. Như vậy, sẽ yên tâm khi làm việc. Trước đây, em đeo găng tay len một ngày đã thì cũ nhèm cả rồi. Dùng cố đến ngày thứ hai, sang hôm thứ ba là rách nát".
Tôi xót xa khi phải nói với anh sự thật: “Ah, Em biết anh cần loại gì rồi. Chắc hạt nhựa anh có dung môi và chất CaCO3, em có cung cấp bảo hộ lao động cho khách hàng ngành bao bì nên biết. Vậy nên găng tay mà anh cần không phải là găng tay cao su chống nước thông thường mà phải là găng tay cao su chống hoá chất Nitrile.”

Anh ngập ngừng nhìn lại đôi bàn tay.

Tôi nói tiếp: - “Anh muốn lấy bao nhiêu đôi?”

“Chỉ cần vài đôi thôi”. Anh nói.

“Như vậy thì quá ít!” Chợt nhận thấy vẻ khắc khổ, thiểu thốn của người lao động, tôi hạ giọng: “Nhưng dù chỉ 1 đôi thôi em vẫn bán cho anh!”

Tôi giải thích: “Loại hàng anh cần, có sẵn rất nhiều ở trên công ty em. Đây là nhà riêng nên em không có sẵn. Em sẽ đem về cho anh nếu tối mai anh quay lại vào đúng giờ này”

“Vậy tối mai em nghé lại”

“Anh đừng tiếc 01 đôi găng tay giá không đáng bao nhiêu mà để sau này ảnh hưởng đến sức khoẻ và gia đình” Tôi nói tiếp và trấn an:

“Thật sự những người công nhân có ý thức an toàn bảo hộ lao động như anh, tự đi tìm dụng cụ bảo hộ trang bị cho mình là rất đáng quý! Nếu anh thấy cần thêm gì thì cứ đến đây, em sẽ tư vấn cho anh”

Anh chào ra về với giọng vô cùng phấn khởi. Tôi biết, ban đầu anh chỉ đi tìm đôi găng dùng tạm thời cho tình thế làm việc trong điều kiện độc hại của mình. May mà gặp tôi là nhà cung cấp bảo hộ lao động đã gỡ đúng nhu cầu của anh. 

Tôi tự hỏi: Doanh nghiệp sản xuất làm ra những sản phẩm tốt, thu lại nhiều lợi nhuận để làm chi khi người công nhân không được trang bị và hướng dẫn trang bị bảo hộ lao động đầy đủ. Lợi nhuận ngày hôm nay có bù đắp đủ cho ngày mai khi những người công nhân này bị tổn hại sức khoẻ thậm chí bị ung thư? Ai trả cho họ đây?

Anh người có dáng vẻ khắc khổ và trông già hơn tuổi của mình. Nhìn anh tôi mới hiểu việc kinh doanh Bảo hộ lao động bấy lâu nay mình làm thật ý nghĩa.

Tôi nói với Má: “Má à! Trong trường hợp này, con không nghĩ bán hàng vì lợi nhuận nữa. Con có thể đem găng tay cao su nitrile chống hoá chất ở công ty về để tặng anh ấy. Ngày mai con sẽ đem về để sẵn ở nhà. Má bán cho anh ấy 2.000đ/đôi thôi nhé. Mình chỉ cần bán 1 đôi cũng được. Vì mình bán hàng cho người thật sự cần và bán đúng giá của nó. Má nói tặng, có khi anh ấy sẽ nghĩ ngợi và tổn thương lòng tự trọng đó!”

Tôi thừa biết rằng má quá hiểu những điều tôi vừa nói. Bà đã từng dạy tôi bán hàng vì giá trị người mua hàng mà!

Sáng hôm sau, trước khi đi làm tôi hỏi: “Hôm qua anh anh có ghé mua không má?.

“Có con à. Anh ấy mua 05 đôi lận. Anh ấy gửi lời cám ơn con và hứa nếu sử dụng tối anh ấy sẽ giới thiệu các bạn anh ấy đến đây mua nữa.” Má trả lời hoan hỉ.

Trong kinh doanh bạn cần gì hơn nữa chứ?

................................
Nguyễn Quốc Thoại

Giám đốc Kinh Doanh 
Công ty Hồng Khải Nguyễn - HKNSafety

Images

CÁCH NÀO DẠY CON VỀ TIỀN BẠC VÀ KINH DOANH?

Hôm nay, ngày 04/04/2012 là một ngày đặc biệt quan trọng đối với tôi trong việc dạy con trai của mình những bước đi đầu tiên trong việc nhận thức giá trị của tiền bạc và kinh doanh.
Hình chỉ mang tính minh họa

Trong nhận thức non nớt của chú bé lên 5, con tôi đang còn rất nhỏ để hiểu hết những khái niệm cơ bản về tiền bạc.

Sau nhiều ngày suy nghĩ, tôi quyết định mở một tài khoản tiết kiệm do con trai tôi là “Chủ tài khoản và là người thụ hưởng”. Tôi chỉ là “Người đại diện giám hộ”:
Thời hạn tiết kiệm là 10 năm, 06 tháng trả lãi 1 lần và nhập vào vốn. Đến năm 15 tuổi con tôi mới được rút tiền. Nếu rút trước hạn, con tôi sẽ không được nhận lãi suất.  Số tiền ban đầu 100.000 VNĐ. Đây là tiền lì xì của bé trong Tết vừa rồi.

Chúng tôi lập kế hoach thực hiện tổng thể như sau. Mỗi tuần vào ngày thứ 7, tôi hoặc mẹ, nội, ngoại sẽ dẫn bé đến ngân hàng nộp tiền. Số tiền bất kể là bao nhiêu cũng được Ngân hàng chấp nhận. Nếu chúng tôi ở xa mà chuyển khoản cùng hệ thống thì vẫn không bị tính phí chuyển tiền.

Trước khi thực hiện quyết định này tôi phải dành thời gian nghiên cứu rất nhiều ngân hàng. Tôi kỳ công gọi điện lựa chọn cho được Ngân hàng phù hợp với yêu cầu mới thôi. Và tôi tìm được Sacombank với chương trình “thẻ tiết kiệm Phù Đổng”. Ở đây tôi không phải quảng cáo, mong bạn đừng hiểu lầm. Tôi đang kinh doanh cho mình chứ không làm ở ngân hàng.

Mặc dầu đã từng làm kế toán ngân hàng 4 năm, nhưng để tìm một ngân hàng phù hợp sao thật khó, và tôi ngạc nhiên khi khám phá ra rằng có rất nhiều ngân hàng bỏ qua những khoản huy động từ những khách hàng có nhu cầu như tôi đây các bạn ạ. Và một bài học được rút ra. Trước khi tiến hành lên kế hoạch tài chính cho con mình, quan trọng là bạn phải tìm cho ra Ngân hàng phù hợp.

Nói tới đây chắc bạn đang nghĩ tôi đang dạy con mình Cách tiết kiệm tiền?

Hay, bạn nghĩ tôi đang làm một việc là tích luỹ số tiền đó dưới danh nghĩa là tiết kiệm cho com trai mình để khi cần tôi rút ra cho nó đi học hay mua một cái gì đó?

Tại sao tôi không mua cho con mình một “chú heo đất” mà lại mở tiết kiệm?

Con tôi còn nhỏ, dạy làm chi sớm cho mệt vậy?

Thưa bạn, tôi có mục tiêu hẳn hoi.

Thứ nhất: tôi muốn dạy con tôi khái niệm “Ngân hàng là gì?”

Trước đây, tôi đi chuyển tiền trả nhà cung cấp vào mỗi thứ 7. Tôi thường dẫn con trai theo. Tôi hỏi nó rằng: “- Ngân hàng là nơi làm gì vậy, nói cho ba nghe nào?” Bé trả lời “- Ngân hàng là nơi buôn tiền”. Tôi hỏi tiếp: “- Vậy buôn tiền là gì?” Nhóc trả lời: “- Mua tiền vào và bán tiền ra”

Một lẻ dĩ nhiên các bạn ạ, tôi đã giải thích cho nó một cách đơn giản nhất về chức năng của một ngân hàng. sẽ dễ liên tưởng đến công việc gia đình tôi đang làm là mua bán hàng.

Cái tôi muốn dạy con mình đơn giản là vậy thôi. Sau này bé lớn lên sẽ hiểu nhiều hơn về lãi suất, về mua bán ngoai tệ, về cho vay ngắn hạn - dài hạn, về thanh toán quốc tế ... và hàng loạt các nghiệp vụ phức tạp khác của ngành ngân hàng. Chung quy lại Ngân hàng là một tổ chức kinh doanh tiền. Tôi muốn liên tục dạy cho bé về điều này trong suốt thời ấu thơ.

Thứ hai, tôi muốn dạy cho con mình biết động não để làm ra tiền, dạy con biết bán hàng và kinh doanh.

Tôi muốn dạy con mình làm thế nào để “bán sức laođộng và chất xám của mình với giá cao nhất”.  Đầu tiên bé có thể nghĩ đến việc cơ bản là thực hiện kế hoạch nhỏ. Hàng ngày, bé có thể thực hiện bằng cách gom chai lọ nhựa, sắt vụn, giấy lộn, sách báo cũ và tất cả những thứ cơ bản trong cuộc sống thuộc tầm của cháu mà có thể bán được. Dĩ nhiên tôi cũng dạy cho bé các vật đang sử dụng  không được bán: cái TV, cái laptop, chiếc xe gắn máy ... Sau đó, bé sẽ nghĩ cách tham gia đội nhóm để bán hàng hay tạo ra những sản phẩm, dịch vụ có giá trị để bán.

Tôi muốn tạo cho bé tự ý thức bằng cách luôn đặt ra câu hỏi trong đầu rằng: Tiền để mua gì và có giá trị như thế nào? Nộp tiền vào ngân hàng để làm gì?  Làm thế nào để có được tiền để nộp vào đây? Làm thế nào để quản lí tiền cá nhân? ...

Tôi được cha mẹ đã dạy bán hàng ngay từ lúc 8 tuổi, nhưng để hiểu rỏ về quản lí tài chính cá nhân thì mới ngộ ra được cách đây được vài năm. Các bạn thấy như vậy có bị trễ không? Và các bậc phụ huynh như chúng ta có nên tiếp tục dạy con mình tránh né tiền bạc, để khi trưởng thành rồi mới dạy?

Tôi thấy mình phải có trách nhiệm dạy con từ sớm về tiền bạc. Cách dạy của tôi  dĩ nhiên phải theo những nguyên tắc về đạo đức, chứ không thể tự nhiên. Càng không thể để đến khi lớn đi làm, cuộc sống bị bầm dập rồi con tôi mới nhận ra về giá trị đồng tiền và kinh doanh.

Bạn và tôi, mỗi người có cách nhìn nhận về tiền bạc khác nhau. Mỗi người cũng có một cách dạy riêng cho con mình nhận thức về tiền bạc. Ở đây, tôi muốn chia sẻ cách một cách dạy con về tiền bạc của mình.

Rất mong các bạn hưởng ứng và cho ý kiến thêm để chúng ta dạy con tốt hơn.

Xin cảm ơn!


https://www.facebook.com/DayConVeTienBac
Tp. HCM, ngày 05/04/2012.
…………………….
Nguyễn Quốc Thoại
Cellphone: 0906 37 54 55
Cty Hồng Khải Nguyễn