Images

KINH DOANH LÀ CUỘC SỐNG CỦA TÔI


Hình minh hoạ
1. Đã từ lâu rồi chúng ta nghĩ những việc bán hàng là của những anh chàng đưa danh thiếp hay phát tờ rơi chạy vòng vòng, những anh chàng tiếp thị đến nhà gỏ cửa để chào mời dịch vụ hay sản phẩm để bán … Và cũng đã rất nhiều người cho rằng công việc bán hàng là “bán nước bọt”, những người làm công việc này không có vị trí cao trong xã hội. Có thể bạn đã từng nghe ai đó nói “tôi không thích làm những việc như họ đang làm, những người bán hàng …”

2. Bạn đã từng nghe đến cái tên tỷ phú dầu hoả của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ John Davison Rockefeller?

Tài sản của Rockefeller tồn tại cho đến ngày nay, mà cháu chắt của Ông vẫn nắm giữ cổ đông lớn trong các tập đoàn Tài Chính, các tập đoàn công nghệ cao từ nước Mỹ.

Có so sánh thú vị về sự giàu có về tài sản của ông là: Nếu tính từ lúc Chúa Ki-tô ra đời cho đến nay thì cứ mỗi phút ông làm ra 6,5 cent. Còn tính từ khi Thánh Moise dắt dân Do Thái vượt qua Hồng Hải đến nay đã 3.000 năm cứ mỗi ngày ông làm ra 600 đôla Mỹ. 

Ngày 21 tháng 05 năm 1937, 02 ngày trước khi mất, ông gọi người quản gia đến dặn rằng: “Ngày mai ông đưa lên Nhật báo thông tin là Rockeffler sắp chết, người nào muốn sở hữu một phần đất nghĩa trang cạnh ông ấy thì trả 200.000 đôla cho chỗ gần nhất”. Qua ngày hôm sau, Rockeffler chưa chết thì đã có 2 triệu đôla nằm trong tài khoản mình rồi. Và ông đem toàn bộ số tiền này tặng Nhà thờ và Trường học. Cho đến bây giờ, những ai có nghiên cứu về Văn Hoá Mỹ điều biết đến Viện John D. Rockeffler.

Bạn cho rằng những người có tiền thời 1937 ở Mỹ là những người “điên”. Ai lại bỏ số tiền lớn như vậy để nằm cạnh một người giàu “mang danh tỷ phú keo kiệt”? như một số người ở Mỹ hay trên thế giới cho là vậy.

Nếu bạn có tiền thì bạn thích nổi tiếng. Bạn đã giàu có mà chưa nổi tiếng thì bạn hãy nằm cạnh Rockeffler. Vì sao phải vậy? Vào những ngày ThanksGiving, ngày đẹp trời nào đó trong năm, khi cháu chắt của bạn đi thăm mộ bạn thì sẽ có cơ hội được gặp cháu chắt của dòng dõi Rockeffler cũng đi thăm mộ ông cha mình. Và biết đâu chúng nó là bạn với nhau. Mà đã là bạn thì hay ủng hộ lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau … Và có thể rằng cháu chắt bạn trở thành Tổng thống Mỹ hay ít ra là được bầu chọn làm Hạ nghị sĩ hay Thượng nghị sĩ ở một bang nào đó?

Vậy khi bạn chết bạn muốn để lại sự tưởng nhớ cho con cháu bạn không? Mặc dù lúc đó sao bạn biết được!

3. Đối với tôi, công việc kinh doanh là một niềm đam mê bất tận. Tôi yêu thích công việc này tôi muốn đem những sản phẩm tốt hơn, dịch vụ tốt hơn và muốn chia sẻ đến các bạn những giá trị có ích, những cảm xúc chân thực… Và, cuối cùng với tôi mới là lợi nhuận.

Bán hàng là công việc của tôi. Bán hàng nằm trong chuỗi hệ thống kinh doanh. Không có nhân viên bán hàng giúp bạn thì tôi là người phục vụ bạn. Chính xác là tôi cũng bán hàng và bán hàng dưới cách nhìn của một người kinh doanh làm chủ.

Tôi muốn chia sẻ với những người đã từng cho rằng công việc bán hàng là “bán nước bọt” phải suy nghĩ vì bất kỳ ai, cả bạn và tôi, cũng là người đã và đang bán hàng đấy thôi.

Tại sao?

Chẳng phải lúc bạn sinh ra bạn đã từng khóc? Và lúc đó có phải bạn bán tiếng khóc đó đến cha mẹ mình và những người thân của bạn để họ biết bạn đang cần gì?

4. Cha mẹ dạy tôi bán hàng từ lúc lên 7.

Ba má tôi mở một tiệm tạp hoá nho nhỏ thời bao cấp, rồi sau bán phân bón -thuốc trừ sâu, sau nữa là gia công xay xát lúa gạo. Bạn tự hỏi một đứa bé lên 7 thì biết gì để giúp bố mẹ mình? Xin thưa, là có đấy, bạn ạ!

Quê tôi có một thói quen rất lạ là hay mua chịu. Mà đa số khách hàng mua chịu là những người quen, bà con dòng họ. Khi mua hàng, “khách hàng” hứa hẹn ngày 7 ngày 3 trả. Đến hẹ vẫn thấy im re, mà đòi thì lại làm mết lòng “Bà con lối xóm”. Sổ ghi nợ lại không có chữ ký của “khách hàng”. Thời 1986 -1995, chưa mở cửa, người mua hàng ít có thói quen “ký nhận nợ”. Vậy là một đứa trẻ như tôi được ba má “đặt cách” để đi “năng nỉ” Bà con lối xóm “trả tiền giúp Ba má con”.

Quê tôi ở vùng sông nước Miền Tây: Cai Lậy - Tiền Giang. Còn nhớ, mỗi khi trời mưa là đất sình lên gây trơn trượt do vậy người dân quê tôi có ngón chân rất khoẻ. Khi đi lại trên mặt đất sình lầy lội, tôi không chỉ đi bằng bàn chân thôi mà còn phải dùng cả 10 ngón chân để bám đất chứ không thì “bắt ếch” như chơi (*), đi đòi nợ vào lúc trời mưa thì thật là gian nan với một đứa bé lên 7 như tôi.

Mỗi khi đòi tiền ai, má tôi gọi tôi về hỏi cho rõ về lịch trả tiền của người đó. Bà ghi lại để lần sau “đến hẹn lại lên”. Nếu tường thuật mà “ấp a ấp úng”, không rõ, một là ăn đòn, hai là mất công đi lại đòi tiếp.

Có một điều làm tôi cũng vui là khi “biệt phái” đi đòi nợ: ba má tôi nhiều khi lại được trả tiền ngay và ít ra thì cũng có được là một cái hẹn trả tiền cụ thể. Không ai lại thất hứa với một em bé, đúng không bạn?

Các bạn ạ, việc đi thu tiền của khách đã giúp ích cho tôi rất nhiều vào việc bán hàng sau này. Đó là kỹ năng tiếp xúc khách hàng, đặc biệt là giao tiếp với những người lớn tuổi hơn mình. Hơn nữa, việc này giúp tôi khắc sâu vào tiềm thức về cách mua bán thu hồi công nợ và cách tạo uy tín đối với những nhà cung cấp của tôi.

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 03 tháng 05 năm 2012.

Nguyễn Quốc Thoại


(*) từ lóng ở Miền Tây là té ngã
Images

GỬI LỜI CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ BÌNH LUẬN BÀI VIẾT “THÊM LÝ DO ĐỂ TÔI YÊU KINH DOANH BẢO HỘ LAO ĐỘNG” TRÊN FACEBOOK


Những lời nhận xét của các bạn tạo động lực rất lớn để Thoại mang hết sức mình đem đến những sản phẩm và dịch vụ tốt nhất phục vụ cộng đồng.

https://www.FaceBook.com/QuocThoaiNguyen
Images

THÊM LÝ DO ĐỂ TÔI YÊU KINH DOANH BẢO HỘ LAO ĐỘNG

MỘT ngày tối chủ nhật của tháng 04/2012, tôi đang xem Ti vi tại tiệm tạp hoá của Má tôi thì có một người khách ghé đến hỏi mua găng tay cao su. Má tôi biết tôi đang kinh doanh các mặt hàng bảo hộ lao động nên hỏi: “Chú này hỏi mua găng tay cao su, con có để bán cho chú ấy không?” Tôi đang nằm mà nghe nhắc đến nhu cầu về sản phẩm mình kinh doanh thì bật ngay dậy.

Anh Dũng – người khách – đang cần găng tay cao su bảo hộ để dùng cho việc trộn hạt nhựa.

Tôi nói: “Nếu như hạt nhựa thì anh có thể dùng gang tay len là được rồi.”

Anh phân trần rằng: “Công ty em chỉ phát một tuần mỗi một đôi găng tay len thôi.

“Trời! Găng tay len thường sử dụng mỗi ngày một đôi mà sao mỗi tuần mới phát cho người ta?” Tôi ngạc nhiên hỏi.

Anh lặng người, không trả lới mà đưa hai bàn tay cho tôi xem. Tôi thật đau lòng khi thấy lòng bàn tay của anh bị sần sùi nứt nẻ tróc da. Tôi thầm trách doanh nghiệp nơi anh làm sao vô tâm quá!

Tôi hỏi: “Vậy ngoài trộn hạt nhựa ra, chắc chắn anh có trộn thứ khác nữa phải không?”

Anh trả lời buồn buồn: “Hạt nhựa có tẩm hoá chất anh à, nên tay em mới như vầy đây! Em tính mua găng tay cao su về đeo ở bên trong còn găng tay len sẽ phủ bên ngoài. Như vậy, sẽ yên tâm khi làm việc. Trước đây, em đeo găng tay len một ngày đã thì cũ nhèm cả rồi. Dùng cố đến ngày thứ hai, sang hôm thứ ba là rách nát".
Tôi xót xa khi phải nói với anh sự thật: “Ah, Em biết anh cần loại gì rồi. Chắc hạt nhựa anh có dung môi và chất CaCO3, em có cung cấp bảo hộ lao động cho khách hàng ngành bao bì nên biết. Vậy nên găng tay mà anh cần không phải là găng tay cao su chống nước thông thường mà phải là găng tay cao su chống hoá chất Nitrile.”

Anh ngập ngừng nhìn lại đôi bàn tay.

Tôi nói tiếp: - “Anh muốn lấy bao nhiêu đôi?”

“Chỉ cần vài đôi thôi”. Anh nói.

“Như vậy thì quá ít!” Chợt nhận thấy vẻ khắc khổ, thiểu thốn của người lao động, tôi hạ giọng: “Nhưng dù chỉ 1 đôi thôi em vẫn bán cho anh!”

Tôi giải thích: “Loại hàng anh cần, có sẵn rất nhiều ở trên công ty em. Đây là nhà riêng nên em không có sẵn. Em sẽ đem về cho anh nếu tối mai anh quay lại vào đúng giờ này”

“Vậy tối mai em nghé lại”

“Anh đừng tiếc 01 đôi găng tay giá không đáng bao nhiêu mà để sau này ảnh hưởng đến sức khoẻ và gia đình” Tôi nói tiếp và trấn an:

“Thật sự những người công nhân có ý thức an toàn bảo hộ lao động như anh, tự đi tìm dụng cụ bảo hộ trang bị cho mình là rất đáng quý! Nếu anh thấy cần thêm gì thì cứ đến đây, em sẽ tư vấn cho anh”

Anh chào ra về với giọng vô cùng phấn khởi. Tôi biết, ban đầu anh chỉ đi tìm đôi găng dùng tạm thời cho tình thế làm việc trong điều kiện độc hại của mình. May mà gặp tôi là nhà cung cấp bảo hộ lao động đã gỡ đúng nhu cầu của anh. 

Tôi tự hỏi: Doanh nghiệp sản xuất làm ra những sản phẩm tốt, thu lại nhiều lợi nhuận để làm chi khi người công nhân không được trang bị và hướng dẫn trang bị bảo hộ lao động đầy đủ. Lợi nhuận ngày hôm nay có bù đắp đủ cho ngày mai khi những người công nhân này bị tổn hại sức khoẻ thậm chí bị ung thư? Ai trả cho họ đây?

Anh người có dáng vẻ khắc khổ và trông già hơn tuổi của mình. Nhìn anh tôi mới hiểu việc kinh doanh Bảo hộ lao động bấy lâu nay mình làm thật ý nghĩa.

Tôi nói với Má: “Má à! Trong trường hợp này, con không nghĩ bán hàng vì lợi nhuận nữa. Con có thể đem găng tay cao su nitrile chống hoá chất ở công ty về để tặng anh ấy. Ngày mai con sẽ đem về để sẵn ở nhà. Má bán cho anh ấy 2.000đ/đôi thôi nhé. Mình chỉ cần bán 1 đôi cũng được. Vì mình bán hàng cho người thật sự cần và bán đúng giá của nó. Má nói tặng, có khi anh ấy sẽ nghĩ ngợi và tổn thương lòng tự trọng đó!”

Tôi thừa biết rằng má quá hiểu những điều tôi vừa nói. Bà đã từng dạy tôi bán hàng vì giá trị người mua hàng mà!

Sáng hôm sau, trước khi đi làm tôi hỏi: “Hôm qua anh anh có ghé mua không má?.

“Có con à. Anh ấy mua 05 đôi lận. Anh ấy gửi lời cám ơn con và hứa nếu sử dụng tối anh ấy sẽ giới thiệu các bạn anh ấy đến đây mua nữa.” Má trả lời hoan hỉ.

Trong kinh doanh bạn cần gì hơn nữa chứ?

................................
Nguyễn Quốc Thoại

Giám đốc Kinh Doanh 
Công ty Hồng Khải Nguyễn - HKNSafety

Images

CÁCH NÀO DẠY CON VỀ TIỀN BẠC VÀ KINH DOANH?

Hôm nay, ngày 04/04/2012 là một ngày đặc biệt quan trọng đối với tôi trong việc dạy con trai của mình những bước đi đầu tiên trong việc nhận thức giá trị của tiền bạc và kinh doanh.
Hình chỉ mang tính minh họa

Trong nhận thức non nớt của chú bé lên 5, con tôi đang còn rất nhỏ để hiểu hết những khái niệm cơ bản về tiền bạc.

Sau nhiều ngày suy nghĩ, tôi quyết định mở một tài khoản tiết kiệm do con trai tôi là “Chủ tài khoản và là người thụ hưởng”. Tôi chỉ là “Người đại diện giám hộ”:
Thời hạn tiết kiệm là 10 năm, 06 tháng trả lãi 1 lần và nhập vào vốn. Đến năm 15 tuổi con tôi mới được rút tiền. Nếu rút trước hạn, con tôi sẽ không được nhận lãi suất.  Số tiền ban đầu 100.000 VNĐ. Đây là tiền lì xì của bé trong Tết vừa rồi.

Chúng tôi lập kế hoach thực hiện tổng thể như sau. Mỗi tuần vào ngày thứ 7, tôi hoặc mẹ, nội, ngoại sẽ dẫn bé đến ngân hàng nộp tiền. Số tiền bất kể là bao nhiêu cũng được Ngân hàng chấp nhận. Nếu chúng tôi ở xa mà chuyển khoản cùng hệ thống thì vẫn không bị tính phí chuyển tiền.

Trước khi thực hiện quyết định này tôi phải dành thời gian nghiên cứu rất nhiều ngân hàng. Tôi kỳ công gọi điện lựa chọn cho được Ngân hàng phù hợp với yêu cầu mới thôi. Và tôi tìm được Sacombank với chương trình “thẻ tiết kiệm Phù Đổng”. Ở đây tôi không phải quảng cáo, mong bạn đừng hiểu lầm. Tôi đang kinh doanh cho mình chứ không làm ở ngân hàng.

Mặc dầu đã từng làm kế toán ngân hàng 4 năm, nhưng để tìm một ngân hàng phù hợp sao thật khó, và tôi ngạc nhiên khi khám phá ra rằng có rất nhiều ngân hàng bỏ qua những khoản huy động từ những khách hàng có nhu cầu như tôi đây các bạn ạ. Và một bài học được rút ra. Trước khi tiến hành lên kế hoạch tài chính cho con mình, quan trọng là bạn phải tìm cho ra Ngân hàng phù hợp.

Nói tới đây chắc bạn đang nghĩ tôi đang dạy con mình Cách tiết kiệm tiền?

Hay, bạn nghĩ tôi đang làm một việc là tích luỹ số tiền đó dưới danh nghĩa là tiết kiệm cho com trai mình để khi cần tôi rút ra cho nó đi học hay mua một cái gì đó?

Tại sao tôi không mua cho con mình một “chú heo đất” mà lại mở tiết kiệm?

Con tôi còn nhỏ, dạy làm chi sớm cho mệt vậy?

Thưa bạn, tôi có mục tiêu hẳn hoi.

Thứ nhất: tôi muốn dạy con tôi khái niệm “Ngân hàng là gì?”

Trước đây, tôi đi chuyển tiền trả nhà cung cấp vào mỗi thứ 7. Tôi thường dẫn con trai theo. Tôi hỏi nó rằng: “- Ngân hàng là nơi làm gì vậy, nói cho ba nghe nào?” Bé trả lời “- Ngân hàng là nơi buôn tiền”. Tôi hỏi tiếp: “- Vậy buôn tiền là gì?” Nhóc trả lời: “- Mua tiền vào và bán tiền ra”

Một lẻ dĩ nhiên các bạn ạ, tôi đã giải thích cho nó một cách đơn giản nhất về chức năng của một ngân hàng. sẽ dễ liên tưởng đến công việc gia đình tôi đang làm là mua bán hàng.

Cái tôi muốn dạy con mình đơn giản là vậy thôi. Sau này bé lớn lên sẽ hiểu nhiều hơn về lãi suất, về mua bán ngoai tệ, về cho vay ngắn hạn - dài hạn, về thanh toán quốc tế ... và hàng loạt các nghiệp vụ phức tạp khác của ngành ngân hàng. Chung quy lại Ngân hàng là một tổ chức kinh doanh tiền. Tôi muốn liên tục dạy cho bé về điều này trong suốt thời ấu thơ.

Thứ hai, tôi muốn dạy cho con mình biết động não để làm ra tiền, dạy con biết bán hàng và kinh doanh.

Tôi muốn dạy con mình làm thế nào để “bán sức laođộng và chất xám của mình với giá cao nhất”.  Đầu tiên bé có thể nghĩ đến việc cơ bản là thực hiện kế hoạch nhỏ. Hàng ngày, bé có thể thực hiện bằng cách gom chai lọ nhựa, sắt vụn, giấy lộn, sách báo cũ và tất cả những thứ cơ bản trong cuộc sống thuộc tầm của cháu mà có thể bán được. Dĩ nhiên tôi cũng dạy cho bé các vật đang sử dụng  không được bán: cái TV, cái laptop, chiếc xe gắn máy ... Sau đó, bé sẽ nghĩ cách tham gia đội nhóm để bán hàng hay tạo ra những sản phẩm, dịch vụ có giá trị để bán.

Tôi muốn tạo cho bé tự ý thức bằng cách luôn đặt ra câu hỏi trong đầu rằng: Tiền để mua gì và có giá trị như thế nào? Nộp tiền vào ngân hàng để làm gì?  Làm thế nào để có được tiền để nộp vào đây? Làm thế nào để quản lí tiền cá nhân? ...

Tôi được cha mẹ đã dạy bán hàng ngay từ lúc 8 tuổi, nhưng để hiểu rỏ về quản lí tài chính cá nhân thì mới ngộ ra được cách đây được vài năm. Các bạn thấy như vậy có bị trễ không? Và các bậc phụ huynh như chúng ta có nên tiếp tục dạy con mình tránh né tiền bạc, để khi trưởng thành rồi mới dạy?

Tôi thấy mình phải có trách nhiệm dạy con từ sớm về tiền bạc. Cách dạy của tôi  dĩ nhiên phải theo những nguyên tắc về đạo đức, chứ không thể tự nhiên. Càng không thể để đến khi lớn đi làm, cuộc sống bị bầm dập rồi con tôi mới nhận ra về giá trị đồng tiền và kinh doanh.

Bạn và tôi, mỗi người có cách nhìn nhận về tiền bạc khác nhau. Mỗi người cũng có một cách dạy riêng cho con mình nhận thức về tiền bạc. Ở đây, tôi muốn chia sẻ cách một cách dạy con về tiền bạc của mình.

Rất mong các bạn hưởng ứng và cho ý kiến thêm để chúng ta dạy con tốt hơn.

Xin cảm ơn!


https://www.facebook.com/DayConVeTienBac
Tp. HCM, ngày 05/04/2012.
…………………….
Nguyễn Quốc Thoại
Cellphone: 0906 37 54 55
Cty Hồng Khải Nguyễn


Images

Câu Chuyện Một Đồng Tiền Vàng và Cách Dạy Con Về Tiền Bạc



Ngày xưa, có hai vợ chồng giàu có nọ sinh được một người con trai. Vì quá đổi yêu thương con nên bà mẹ hầu như cả ngày chẳng để cậu ta đụng đến việc gì, dần dần cậu con trai trở nên lười ơi là lười, đến nỗi một đồng xu cũng không kiếm nỗi.

Người cha dồn toàn bộ tinh lực để nuôi đứa con trưởng thành, đến lúc tuổi đã cao, sức đã yếu mà nhìn lại thấy đứa con trai vẫn chứng nào tật nấy, chẳng chịu sửa đổi, lo lắng làm lụng gì hết thì lấy làm buồn bã vô cùng. 


Một hôm, ông nằm trên giường gọi bà vợ lại và nói: 

Bà à, toàn bộ tài sản chúng ta đã để dành được từ trước tới nay, sau này khi tôi chết đi, tùy bà muốn đem cho ai thì cho chớ tôi đã quyết định không để lại cho thằng con này một xu nào. Đồ lười chảy thây chẳng chịu làm gì cả như nó thì sẽ không được gì hết. 

Người mẹ nghe xong liền ra sức bênh con trai: 

- Ông nói nghe lạ, chẳng lẽ con mình tệ đến nỗi chẳng bao giờ kiếm được một đồng hay sao? 
Người chồng nói dứt khoát:

- Được, nếu bà đã nói thế thì bà hãy bảo nó thử đi kiếm tiền đi ! Dù chỉ kiếm được một đồng xu thôi cùng được, tôi sẽ giao toàn bộ tài sản này lại cho nó. 

- Được! Vậy là ông hứa rồi đó nhé - người vợ nói. 

- Ừ, tôi sẽ cố chờ xem xem nó làm được việc gì! 

Ngay sáng hôm sau, người mẹ đi đến bên đứa con, đưa cho cậu ta một đồng tiền vàng và căn dặn: 

- Con trai yêu quý của mẹ ! Con hãy đi loăng quăng đâu đó, thích đến đâu thì đến, đợi đến chiều tối hãy quay về và đưa ngay đồng tiền này cho cha con, nói rằng đây là tiền con đã từ mình kiếm được nhé. 

Cậu con trai cứ vậy mà làm. Đến chiều tối cậu quay về đưa đồng tiền vàng cho cha. Người cha cầm lấy tiền rồi tiện tay ném ngay ra ngoài cửa số: 

- Đây không phải tiền mày đã kiếm được, người cha nói. 

Cậu con trai thấy cha làm thế vẫn không nói một lời. Thản nhiên đi tới chiếc ghế gần đó và ngồi xuống. 

Qua ngày hôm sau, người mẹ lại đưa cho đứa con trai một đồng tiền vàng khác và dặn: 

- Con hãy leo lên núi chơi, đến chiều tối thì chạy lấy vài vòng, sao cho khắp người ướt đẫm mồ hôi, sau đó chạy về nhà và nói với cha con rằng đây là đồng tiền tự tay con đã kiếm được chẳng dễ dàng gì. 

Cậu con trai làm đúng như lời mẹ dặn, đến chiều tối thì toàn thân mệ lử, mồ hôi mồ kê toát ra như tắm, chạy về nhà và nói với cha rằng: 

- Cha ơi, cha hãy nhìn xem, người con ướt sũng cả! Đồng tiền này con kiếm được thật chẳng dễ dàng gì! 

Người cha nhận lấy đồng tiền từ tay đứa con trai lật qua lật lại xem xét rồi lại ném ra ngoài cửa số, người cha ném hơi mạnh tay nên rơi tuốt xuống ao gần đó. Và quát lên: 


- Chớ có lừa ta, đồ trẻ ranh.


- Người cha nói tiếp: Đây không phải là tiền do mày kiếm được. 

Đứa con thấy thế bật cười rồi bước đi nơi khác. 

Bà mẹ bây giờ mới hiểu rằng sự việc không thế tiếp tực lừa dối được nữa. Nếu đứa con muốn có được toàn bộ gia tài của người cha thì chỉ còn cách đi kiếm việc làm thật sự. Và ngay sáng hôm sau, bà mẹ đến phòng con trai và nói: 

- Không được, con trai ạ, chúng ta không thể lừa cha được nữa, con đành phải tự mình đi kiếm tiền thôi, tìm một việc gì đó mà làm, cho dù một ngày chỉ kiếm được vài xu cũng tốt, con hãy đưa số tiền đó cho cha, cha nhất định sẽ tin con.

Người con trai nghe theo lời mẹ, ra đi kiếm việc làm, và cậu đã thực sự làm việc trọn một tuần lễ. Nay làm việc này, mai làm việc khác, cuối cùng cậu cũng đã gom đủ một đồng tiền vàng mang về cho cha. Người cho nhận lấy đồng tiền vàng và tiện tay ném ngay vào bếp lò đang cháy gần đấy. 

- Không, đây vẫn không phải tiền do con kiếm được. Mày đừng tưởng là ta không biết! 

Cậu con trai rất bất ngờ khi thấy cha mình ném những đồng tiền của mình vào lửa và đã không chút do dự chạy ngay đến bếp lò, vừa dùng tay nhặt lấy đồng tiền vàng từ trong đám lửa cháy rực, vừa lớn tiếng gào: 

- Cha, cha điên rồi hay sao! Con đã phải làm trâu làm ngựa cho người ta, đầu tắt mặt tối suốt cả tuần mới kiếm được đủ một đồng tiền vàng này. Cha không tin thì thôi, cớ sao cha lại ném nó vào trong lò lửa chứ! 

Lúc này, người cha nước mắt giàn giụa, cầm tay đứa con trai mà nói: 

- Con trai của ta! Cha thật hạnh phúc khi thấy con đã biết quý trọng những đồng tiền. Bây giờ thì cha đã thật sự tin rằng những đồng tiền này là do tự tay con kiếm được. Và cha cũng thật yên tâm khi giao toàn bộ của cải, sản nghiệp này lại cho con, con trai ạ! 
................

Lời bình:
- Người cha dạy con mình biết được giá trị đồng tiền, ông thật tuyệt vời! nhưng người mẹ cũng thay đổi cách dạy con đúng lúc và đúng thời điểm. Nhiều bà mẹ quá cưng chiều con nên con cái sinh hư hỏng. Trong câu chuyện này bà mẹ biết cùng chồng giáo dục con mình, “những người mẹ vĩ đại, sinh ra những người con vĩ đại”.

- Xem thường, khinh thường, hạ nhục người khác cũng là cách giáo dục chính con người đó. Ta còn nhớ chuyện tình bạn của “Lưu Bình – Dương Lễ”, nay lại được nghe câu chuyện giữa Cha và Con: người cha xem thường con mình để rồi sau đó vì bộc lộ tự ái của con mà người cha mới biết con mình thật sự thay đổi. Đôi khi  một cách xem thường người khác cũng là để bật ra những giá trị thật về con người của họ, người cha thật khéo léo hướng con mình theo ý giáo dục của mình.

https://www.facebook.com/DayConVeTienBac